Không giống như IQ, chỉ số EQ có thể thay đổi nếu chúng ta thay đổi thói quen.
Phần lớn những người thành công không hoàn toàn do may mắn hay chỉ số IQ cao vượt trội. EQ hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc là nhân tố biến những người thành công trở nên khác biệt. Người thực sự thông minh về mặt cảm xúc biết cách điều khiển cảm xúc để thay đổi tình hình theo hướng tích cực nhất.
Dưới đây là 7 thói quen của những người có EQ cao mà chúng ta có thể áp dụng:
1. Biết cách "nâng người khác lên"
Những người thông minh về mặt cảm xúc không đặt mình lên hàng đầu mà thay vào đó, họ nâng cao tầm quan trọng của đối phương. Đây là một thói quen mang tính chiến lược - thậm chí là khôn ngoan.
Bởi vì mọi người quan tâm đến những gì ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của mình. Họ có thể tốt bụng, tử tế, cao quý - thậm chí vị tha. Nhưng suy cho cùng, họ vẫn là con người, và họ sẽ phản ứng theo cách đối phương tác động đến mình. Nếu muốn được người khác tôn trọng, hãy nghĩ xem liệu lời nói và hành động của bạn có thiện chí và tính hợp tác hay không?
Ví dụ: Giả sử bạn đang muốn bán căn nhà của mình. Một cặp vợ chồng trẻ đến xem và dắt theo những đứa trẻ. Bạn có thể nói: "Gia đình bạn dễ thương quá! Tôi muốn chủ mới của ngôi nhà là người dễ mến như bạn. Nếu được thì thật tuyệt vời!".
Những điều bạn nói không sai, nhưng bạn đã vô tình bỏ qua vấn đề cốt lõi trong kinh doanh. Điều bạn nói sẽ không có quá nhiều tác động đến đối phương vì nó đã chuyển trọng tâm sang những gì bạn cần, trái ngược với những gì họ quan tâm là bạn có thể làm gì cho họ.
2. Sử dụng ngôn ngữ giao tiếp khôn ngoan
Những người thông minh về cảm xúc rất chú ý trong cách lựa chọn từ ngữ và phản ứng. Những dấu hiệu trong cuộc trò chuyện cho thấy rằng bạn tập trung vào nhu cầu của bản thân hơn là của đối phương sẽ không tạo được mối liên kết chặt chẽ. Ví dụ: Những người thông minh về cảm xúc không bao giờ nói "Tôi biết bạn cảm thấy thế nào".
Bởi vì hầu hết chúng ta không bao giờ có thể biết 100% cảm giác của người khác. Bạn có thể cố gắng đồng cảm và đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ, nhưng rõ ràng, hiếm khi chúng ta có thể thực sự hiểu được trải nghiệm của người khác.
Những người EQ cao hiểu rằng trong một số trường hợp đối phương muốn nói gì không quan trọng. Thay vào đó, điều quan trọng hơn là sự lắng nghe và chia sẻ của người nghe.
3. Tư duy cởi mở
Không ai trong chúng ta có khả năng "tinh thông" mọi thứ trong cuộc sống. Tuy nhiên, mọi người có xu hướng muốn tỏ ra mình là một người hoàn hảo bằng cách "lấp liếm" những khoảng trống hiểu biết của mình.
Phần lớn lý do chúng ta phủ định một điều gì đó là bởi vì chúng không phù hợp với những điều điều mặc định trong tư duy của mình. Đó là một phản ứng tự nhiên, nhưng nó sẽ ngăn cản bạn đạt đến những tầm cao mới, bởi vì bạn tự lừa dối bản thân bằng những sự thật bị bóp méo.
Những người thông minh về cảm xúc trong trường hợp này sẽ dừng lại và nghĩ: Điều mình biết có chính xác không? Mình sẽ phản ứng ra sao nếu mọi thứ không như mình nghĩ?
4. Biết cách im lặng
Điều này có thể hiệu quả trong đàm phán cấp cao, mang tính chiến lược và nó đồng thời cũng là một chiến thuật hữu ích trong một cuộc trò chuyện thường ngày. Chúng ta mất 3 năm để học nói nhưng lại phải dành cả cuộc đời còn lại để học im lặng!
Con người có những cách tư duy, phán đoán, xử lý tình huống khác nhau. Nhưng nhìn chung, phần lớn có xu hướng "suy diễn" khi đối phương im lặng. Nếu không thể tiếp tục thương lượng, hãy thử im lặng, đôi khi người ấy sẽ đưa ra giả định và có thể lấp đầy "khoảng trống" bằng những đề nghị có lợi cho bạn.
Khoảng thời gian ấy cũng là để bạn suy nghĩ lại về tất cả những gì đã xảy ra. Rất có thể sau đó bạn sẽ tìm ra hướng giải quyết mới mà trước đây chưa từng nghĩ tới.
5. Hướng sự tập trung vào người khác
Hãy thử nghĩ về cảm giác khi người khác tập trung cao độ vào bạn. Hẳn là mọi người sẽ cảm thấy: Mình quan trọng đối với người này. Những điều mình làm hoặc những điều mình nói sẽ được đối phương tiếp thu và thấu hiểu.
Dù bằng cách nào, những người có EQ cao hiểu rằng nếu họ có thể thể hiện sự tập trung, họ có thể giúp người kia lấp đầy khoảng trống bằng một thông điệp tích cực. Điều này trong một số trường hợp sẽ giúp bạn giải quyết được nhiều vấn đề không ngờ tới.
6. Thừa nhận những thiếu sót của bản thân
Có những thứ chúng ta thực sự giỏi và có những thứ không giỏi. Nếu chỉ mù quáng cho rằng bản thân đã hoàn hảo và không chịu thừa nhận những thiếu sót, chúng ta sẽ không bao giờ phát triển được.
Vì ngay trong tiềm thức bạn đã nghĩ mình hoàn thiện đồng nghĩa với việc bạn phủ nhận mọi ý kiến và quan điểm xung quanh. Chúng ta chỉ là một giọt nước giữa đại dương, nếu cứ mãi ôm lấy bản thể và niềm tin rằng mình đã hoàn hảo thì qua thời gian rồi chúng ta cũng sẽ bị đào thải do giậm chân tại chỗ. Muốn phát triển, phải biết loại bỏ tư duy này.
Những người thông minh về mặt cảm xúc nắm lấy những điểm mạnh của họ, đồng thời thừa nhận những thiếu sót của bản thân. Sau đó, họ tìm cách để cải thiện.
7. Luôn lạc quan
Bạn muốn tìm một công việc nhưng lại có suy nghĩ: "Mình chẳng biết làm gì cả, họ sẽ không nhận đâu". Bạn bắt đầu nhận thấy một số cơn đau và một số triệu chứng kỳ lạ khác: "Bệnh của mình hẳn là rất nghiêm trọng. Tại sao lại là mình?".
Có thể trong 2 ví dụ này, điều tồi tệ nhất đã hoặc sắp xảy ra: bạn sẽ không bao giờ được nhận; sớm đối mặt với tử thần. Khi bạn cho rằng mình đang rơi vào tình huống tồi tệ, vô tình bạn đã tự đẩy mình vào tình huống không mong muốn đó.
Khi rơi vào những hoàn cảnh không mong muốn, hãy tạm dừng và suy nghĩ về những điều tích cực nhất có thể. Có thể nó không giúp khó khăn biến mất nhưng nó giữ cho bạn một cái đầu tỉnh táo để tìm ra hướng đi mới.
Theo Inc
Thùy Anh
Phụ nữ Việt Nam
Nguồn: Cafef.vn
____________________
Mục vụ Nơi làm việc A&B - Trực thuộc Hội thánh Lời Sự Sống Việt Nam
Những cơ đốc nhân làm sáng danh Chúa nơi thương trường
Email: mucvunoilamviecab@gmail.com
Website: https://www.mucvunoilamviec.org/
Commentaires