top of page
Writer's pictureCâu lạc bộ Kinh doanh A&B

Tín hữu Tin Lành thể hiện đạo đức kinh doanh như thế nào?


Tín hữu Tin Lành thể hiện đạo đức kinh doanh như thế nào?

Hỏi: Tín hữu Tin Lành buôn bán trong các chợ đầu mối, các chợ địa phương và ngay cả cửa hàng tư nhân lẫn nhà nước thể hiện đạo đức kinh doanh như thế nào?

Đáp: Đạo đức kinh doanh là đề tài vẫn được bàn luận giữa vòng các nhà đạo đức học Cơ Đốc. Thế nhưng, để trả lời thắc mắc trên, Cơ Đốc nhân cần hiểu khái niệm của đạo đức là gì, và rồi áp dụng những nguyên tắc đạo đức theo Kinh Thánh vào công việc kinh doanh, buôn bán bất cứ nơi nào Chúa đặt để.

Khi chúng ta sử dụng từ liệu đạo đức, chúng ta đang nói đến việc làm điều đúng, điều phải. Từ quan điểm Cơ Đốc, chúng ta tin rằng tiêu chuẩn và chuẩn mực tột bậc của sự chính đáng, sự đúng đắn là bản tánh của Đức Chúa Trời và sự công chính hoàn hảo của Ngài. Vì vậy, những nguyên tắc đạo đức theo Thánh Kinh rất thích hợp cho tín hữu Tin Lành trong việc buôn bán kinh doanh mỗi ngày. Có ít nhất ba nguyên tắc cơ bản sau đây:

1. Động cơ

Thông thường khi nói về đạo đức, chúng ta nói về hành vi và không có gì sai trật về điều này. Thế nhưng, một người có thể trở thành người buôn bán đúng quy cách nhưng lại làm kinh doanh với động cơ sai trái. Chúa Jêsus phân biệt rõ giữa những hành động và động cơ trong Bài Giảng Trên Núi của Ngài (Mat 5:17-7:29). Động cơ của người tín hữu cư xử có đạo đức ở nơi buôn bán, kinh doanh là gì? Động cơ đằng sau các hành động buôn bán là nhận biết đạo đức Cơ Đốc quan tâm đến điều gì nhất. Trước tiên là “hãy làm tất cả vì vinh quang của Đức Chúa Trời” (I Cô 10: 30-31-TTHĐ; xem thêm Côl 3:17; Mat 22:36-38). Động cơ thứ hai là “phải yêu người lân cận như chính mình” (Mat 22:39-40). Tại nơi buôn bán, người lân cận của chúng ta là khách hàng, người cung cấp hàng, người giao hàng, và cả những người quản lý. Thay vì xem họ là những người giữ một nhiệm vụ bình thường khiêm tốn hoặc những dấu hiệu đem lại lợi ích tiền bạc, thì chúng ta xem họ là những người nam, người nữ có giá trị được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Thật ra, nếu chúng ta “yêu người lân cận như chính mình,” thì chúng ta phải đặt mình vào tình cảnh của họ bằng cách tự hỏi: “Đây có phải là sản phẩm hay mặt hàng tôi bán cho bản thân mình không? Tôi có đang làm điều đúng trong lúc giao dịch mua bán không?”

2. Thẩm quyền

Đối với Cơ Đốc nhân, mọi công việc kinh doanh, buôn bán về cơ bản là công việc của Đức Chúa Trời. Mỗi tín hữu nên quan tâm nhiều về đức tin và lòng cam kết của mình đối với công việc của Đức Chúa Trời hơn là thực hiện kế hoạch kinh doanh của riêng mình. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là người sở hữu doanh nghiệp không cần lập kế hoạch kinh doanh. Như viên đội trưởng trong Luca 7:1-10, mỗi tín hữu buôn bán, kinh doanh đều tự kiểm tra bằng cách thỉnh thoảng hỏi câu hỏi này “Tôi buôn bán, kinh doanh dưới thẩm quyền của ai?”Hơn nữa, tín hữu nhận biết Đức Chúa Trời tạo dựng và sở hữu muôn vật (Thi 50:10-12), kể cả tiền bạc, tài nguyên vật chất, và khả năng buôn bán của cá nhân. Tín hữu đã được Đấng Christ cứu chuộc, thì ở dưới thẩm quyền của Ngài, và mọi điều chúng ta có và mọi điều chúng ta làm cũng vậy. Chúng ta không làm việc cho bản thân, mà là quản gia của Chúa (xem Mat 25: 14-30).

3. Tiền bạc và các nguồn tài nguyên

Nói đến tiền bạc, tín hữu Tin Lành buôn bán, kinh doanh phải nhận ra rằng họ kiếm được tiền bằng cách phục vụ nhu cầu của người khác. Hễ khi chúng ta còn sống trong thể xác giữa thế gian này, thì không ai được miễn trừ nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ thể chất lẫn tinh thần. Buôn bán, kinh doanh thật sự là hoạt động của con người được sử dụng để thoả đáp nhiều nhu cầu khác nhau của nhân loại. Tuy nhiên, nếu chúng ta cho rằng tiền bạc là mục đích, mục tiêu cuối cùng của buôn bán, kinh doanh, thì chúng ta dễ làm nô lệ cho Ma-môn (xem Mat. 6:24). Hơn nữa, tín hữu Tin Lành được kêu gọi trung tín quản lý tiền bạc và các nguồn tài nguyên được Chúa ban cho (Sáng 1: 26-30, 2:15-22; Luca 16:1-13; 1Phi 4:10-11; Lu 12:13-21; Mat 6:19-21; Mal 3:6-10). Như vậy, chúng ta phải là những người làm việc và buôn bán trung thực và siêng năng (xem Châm 6:6-10), đồng thời, có thể tận dụng thì giờ, tài năng, và tiền bạc làm vinh hiển Đức Chúa Trời và phục vụ người khác.

Nói tóm lại, là Cơ Đốc nhân, chúng ta có trách nhiệm sống để bày tỏ Phúc Âm cho người khác qua mọi ngành nghề Chúa kêu gọi, cụ thể là người buôn bán tại các chợ đầu mối, các chợ địa phương hoặc ở môi trường nào. Khi tín hữu Tin Lành làm điều đúng, điều phải theo chuẩn mực của Thánh Kinh, thì Danh Chúa được vinh hiển qua việc buôn bán của mình. Xin Chúa giúp đỡ cho quý tín hữu đang mưu sinh bằng việc buôn bán sống thỏa lòng. Muốn thật hết lòng!


Nguồn: Hội thánh Tin lành Việt Nam chi hội Sài Gòn.


____________________

Mục vụ Nơi làm việc A&B - Trực thuộc Hội thánh Lời Sự Sống Việt Nam

Những cơ đốc nhân làm sáng danh Chúa nơi thương trường.

Email: mucvunoilamviecab@gmail.com

0 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page